Điểm danh các thương hiệu thời trang bền vững đáng đầu tư năm 2025
- lookaholicbusiness
- Mar 10
- 7 min read
Updated: Mar 19
Ngành thời trang là một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ. Quá trình sản xuất, nhuộm vải, vận chuyển và xử lý rác thải thời trang đã để lại dấu ấn tiêu cực lên môi trường. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, xu hướng thời trang bền vững (sustainable fashion) ngày càng được ưa chuộng và trở thành tiêu chí quan trọng khi lựa chọn thương hiệu.
Thời trang bền vững là gì?
Sự bành trướng của thời trang nhanh trong nhiều năm qua đã khiến mô hình sản xuất đại trà trở nên phổ biến, nhưng cùng với đó là lượng rác thải khổng lồ đổ ra môi trường mỗi năm. Chính vì vậy, sự trỗi dậy của thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng tạm thời mà còn là tương lai tất yếu của ngành công nghiệp này.

Thời trang bền vững hay Eco fashion không chỉ đơn thuần là việc sử dụng vải hữu cơ hay nguyên liệu tái chế mà còn là một triết lý thiết kế và sản xuất có trách nhiệm với môi trường. Các thương hiệu theo đuổi xu hướng này tập trung vào việc giảm thiểu rác thải, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và đảm bảo điều kiện lao động công bằng. Những bộ sưu tập thời trang bền vững thường mang phong cách tối giản, tinh tế và dễ ứng dụng, nhưng điểm khác biệt lớn nhất nằm ở chất liệu. Từ vải sợi hữu cơ, bông organic, tre, nấm, vải tái chế từ rác thải nhựa đại dương, tất cả đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực lên hành tinh.

Trong bối cảnh này, Gen Z và Millennials đang là lực lượng tiêu dùng dẫn dắt xu hướng. Họ đòi hỏi sự minh bạch từ các thương hiệu và sẵn sàng tẩy chay nếu phát hiện dấu hiệu Greenwashing - các chiêu trò "giả vờ xanh" để đánh lừa khách hàng.
Thương hiệu thời trang bền vững
Thị trường thời trang bền vững tại Việt Nam hay thế giới cũng khó có được định nghĩa cụ thể về các tiêu chí quan trọng để thương hiệu được xem là bền vững. Từ việc lựa chọn chất liệu, tái chế sản phẩm đến chuỗi cung ứng, quy trình sản xuất và các chứng nhận cần lưu ý – có rất nhiều khía cạnh cần cân nhắc khi bạn muốn sử dụng sức mạnh tiêu dùng của mình một cách có trách nhiệm.
Một thương hiệu thời trang bền vững không chỉ đơn thuần là sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, mà còn phải áp dụng các nguyên tắc và thực hành bền vững trong toàn bộ quy trình sản xuất, từ việc chọn lựa nguyên liệu, sản xuất, cho đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Không dừng lại ở sản phẩm, thời trang bền vững còn hướng đến mô hình tiêu dùng thông minh "mua ít nhưng chất lượng", khuyến khích khách hàng lựa chọn những thiết kế lâu dài thay vì chạy theo xu hướng.
Khi xu hướng thời trang bền vững ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang, nhiều thương hiệu Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt và định vị mình trong thị trường này. Những cái tên dưới đây sẽ giúp bạn hiểu cách họ xây dựng thị trường thời trang Việt ngày càng xanh.
Những thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam đáng để bạn đầu tư
Xavan - Thương hiệu trẻ đầy tiềm năng

Ra mắt từ năm 2021, Xavan nhanh chóng được giới mộ điệu và cộng đồng thời trang chú ý với BST Brise Soleil – một bước khởi đầu táo bạo và sáng tạo. Thương hiệu do NTK Lê Ngọc Hà Thu, nhà thiết kế tài năng từ Học viện Thiết kế và Thời trang London, sáng lập và dẫn dắt. Với tinh thần đổi mới, các thiết kế của Xavan không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn thể hiện cam kết bền vững thông qua việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và công nghệ khắc laser độc đáo. Giải thưởng Redress Sustainable Fashion mà BST Slow Boy Archive đạt được chính là minh chứng cho tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thương hiệu này trong tương lai.
UNIQLO - Thương hiệu quốc tế định nghĩa khái niệm “bền vững”

Là một trong những thương hiệu thời trang bền vững hàng đầu từ Nhật Bản, UNIQLO cam kết tạo ra sản phẩm có trách nhiệm với môi trường và xã hội thông qua chiến dịch "The Power of Clothing". Với ba tiêu chí cốt lõi: Con người, Hành tinh và Cộng đồng, UNIQLO không ngừng cải tiến quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường. Từ năm 2019, thương hiệu đã sử dụng chất liệu tái chế và đạt chứng nhận RDS (Responsible Down Standard), cam kết không gây tổn hại đến động vật. Một trong những điểm sáng của UNIQLO là việc tận dụng polyester tái chế từ chai nhựa để sản xuất những chiếc áo Polo Dry-EX, giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Metiseko - Thương hiệu Việt đầy tự hào
Dù được thành lập bởi hai nhà sáng lập người Pháp, Metiseko vẫn là một thương hiệu thời trang mang đậm dấu ấn Việt Nam khi tập trung sử dụng lụa Bảo Lộc, Lâm Đồng và các họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa Việt. Chính vì thế, thương hiệu vẫn tự hào khi khẳng định triết lý “proudly made in Vietnam”.
Metiseko ra đời từ sự kết hợp đầy ý nghĩa giữa hai khái niệm: “Métissage” – sự giao thoa văn hóa và “Écologie” – tính bền vững, thân thiện với môi trường. Mỗi thiết kế của Metiseko mang nét tối giản nhưng đầy thanh lịch, tôn vinh vẻ đẹp phong cảnh và văn hóa Việt Nam. Từ những con đường lát đá cuội cổ kính ở Hội An đến ánh đèn lồng lung linh phản chiếu trên dòng sông Thu Bồn, từng chi tiết trong các bộ sưu tập đều thấm đẫm chất thơ và bản sắc địa phương.

Điểm đặc biệt của Metiseko là quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, từ việc sử dụng thuốc nhuộm thiên nhiên cho đến chính sách "Zero Waste" – tận dụng tối đa vải thừa để tạo ra các sản phẩm phụ kiện như khăn quàng cổ, dây buộc tóc hay khẩu trang. Hơn nữa, thương hiệu đã dành hơn 10 năm để có thể tìm được một đơn vị sản xuất tại Việt Nam cung cấp túi phân hủy thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
Nhà sáng lập Erwan Perzo khẳng định: “Sự phát triển bền vững là yếu tố tối quan trọng đối với tôi.”
Trước đây, khi nhắc đến sợi bông hữu cơ, nhiều người vẫn còn khá xa lạ và chưa thực sự hiểu rõ khái niệm "hữu cơ". Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng tiêu dùng bền vững đang dần được quan tâm hơn tại Việt Nam.
Với tư cách là một người hoạt động trong ngành thời trang, Erwan Perzo bày tỏ niềm vui khi chứng kiến sự chuyển mình này. Ông tin rằng một thương hiệu không chỉ có thể kinh doanh hiệu quả mà còn có thể tuân thủ các nguyên tắc bền vững, có đạo đức và kiểm soát chuỗi cung ứng một cách hợp lý để bảo vệ môi trường. "Chỉ cần bạn kiên định với mục tiêu của mình và không ngừng tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, việc cân bằng giữa phát triển kinh doanh và trách nhiệm với môi trường hoàn toàn khả thi." – ông chia sẻ.
TimTay - Theo đuổi đam mê với Zero-waste
Là một thương hiệu được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Tú và Hoàng Anh vào năm 2014, TimTay chú trọng vào việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên như sợi lanh, sợi bông và tơ tằm để đảm bảo độ thân thiện với môi trường. Một trong những dấu ấn quan trọng của thương hiệu là BST Lụa 1, nơi kỹ thuật cắt không vải thừa (Zero Waste) được áp dụng, giảm thiểu lượng vải bị bỏ đi từ mức 15-20% xuống gần như bằng 0%.

TimTay không chạy theo xu hướng mà tập trung vào những thiết kế tối giản, thoải mái, phù hợp với mọi giới tính và độ tuổi. Điều đặc biệt là thương hiệu sẵn sàng sửa đồ vô thời hạn, giúp sản phẩm có vòng đời dài hơn và hạn chế rác thải thời trang.
Môi Điên - Chất lượng là cốt lõi của sự bền vững
Được thành lập bởi Trần Minh Đạo (Tom Trandt) vào năm 2016, Môi Điên không chỉ mang đến những thiết kế độc đáo mà còn có tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, thể hiện qua các BST lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam. Crazy Lips mang ý nghĩa truyền tải thông điệp “tự do thể hiện" - đây cũng là sứ mệnh của thương hiệu.

Đối với Môi Điên, sự bền vững không chỉ đến từ chất liệu mà còn từ thái độ trân trọng sản phẩm. Tom Trandt tin rằng, khi khách hàng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng, họ sẽ gìn giữ nó lâu hơn, từ đó giảm thiểu rác thải thời trang.
Comments