Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi thời trang bền vững như thế nào?
- lookaholicbusiness
- Feb 26
- 4 min read
Fast fashion đã khuấy đảo nền thị trường trong nhiều thập kỉ và gây ra những hậu quả khôn lường trong ngành công nghiệp tỷ đô. Theo báo cáo của Ellen MacArthur Foundation, mỗi năm, khoảng 92 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ trên toàn cầu. Đồng thời, tốc độ tái chế chỉ chiếm 1%, khiến thời trang trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn nhất.
Trước thực trạng này, trí tuệ nhân tạo (AI) với những khả năng dường như vô hạn được nhận định là giải pháp hiện đại cho thời trang xanh.

Ứng dụng của AI trong ngành thời trang
Dự đoán xu hướng và kiểm soát sản xuất dư thừa
Một trong những nguyên nhân chính gây ra lãng phí quần áo là sản xuất dư thừa. Các thương hiệu thường gặp khó khăn trong việc dự báo chính xác nhu cầu của thị trường, dẫn đến tồn kho lớn. AI có thể giải quyết vấn đề này bằng cách phân tích dữ liệu từ hành vi mua sắm, xu hướng thời trang trên mạng xã hội và thói quen tiêu dùng để đưa ra dự đoán chính xác hơn về sản phẩm nào sẽ bán chạy.
Là nền tảng từng đoạt giải thưởng LVMH Innovation Award, Heuritech là một trong những công ty đang giúp các thương hiệu thời trang nắm bắt xu hướng nhanh nhất. Sử dụng công nghệ thị giác máy tính, Heuritech có thể phân tích hình ảnh từ nhiều nền tảng để định lượng và dự đoán xu hướng toàn cầu.

Hệ thống AI này nhận diện đến 2.000 thuộc tính (bao gồm họa tiết, màu sắc, chất liệu, kiểu dáng…), giúp thương hiệu xác định xu hướng nào đang lên ngôi, có tiềm năng dài hạn và phù hợp với đối tượng khách hàng. Nhờ đó, các nhãn hàng có thể đón đầu xu hướng trước một năm với độ chính xác lên đến 90%, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội trong ngành công nghiệp thời trang.
Thời trang bền vững
Tái chế vải quần áo là một thách thức lớn của ngành do sự phức tạp trong thành phần chất liệu. Hầu hết quần áo được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau, khiến quá trình tái chế gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, việc phân loại theo màu sắc và xác định chính xác thành phần từng bộ phận gần như không thể thực hiện thủ công.
Giải pháp cho vấn đề này chính là công nghệ. Công ty Cetia đã sử dụng các thiết bị hiện đại tại Hendaye, giúp phân tách chính xác các thành phần vật liệu trước khi tái chế nhằm đơn giản hóa quá trình.

Thử quần áo trực tuyến
Không dừng lại ở đó, AI cũng được ứng dụng trong việc thử quần áo ảo nhằm hạn chế các vụ trả hàng. Một trong những công cụ tiên phong là "Try-On" của Google, được triển khai tại Mỹ vào năm 2023. Công nghệ cho phép người dùng xem trước hình ảnh áo thun trên một người mẫu có hình thể và đặc điểm tương tự mình (bao gồm màu tóc, màu mắt…) mà không cần mặc thử trực tiếp.
Tương tự, Lookaholic – một ứng dụng thử đồ trực tuyến do người Việt phát triển – đã và đang góp phần cách mạng hóa ngành công nghiệp thời trang. Ứng dụng này tích hợp các công nghệ AI, mô hình 3D, trực quan hóa 3D,... nhằm mang đến cho người tiêu dùng không gian thử đồ chân thực hơn. Nhờ đó, khách hàng có thể tránh mua đồ không vừa, giảm sai số giữa hình ảnh trên mạng và thực tế, từ đó hạn chế tình trạng trả hàng. Điều này không chỉ mang lại trải nghiệm mua sắm tối ưu mà còn đóng góp vào xu hướng bền vững hơn cho ngành thời trang.

AI có thật sự giải quyết triệt để vấn đề lãng phí quần áo?
Mặc dù AI mang đến nhiều giải pháp hữu ích, nhưng nó không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề lãng phí quần áo nếu không có sự thay đổi trong nhận thức và thói quen tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không thay đổi thói quen mua sắm, tiếp tục chạy theo xu hướng thời trang nhanh, thì sự dư thừa vẫn sẽ tồn tại.
Giải pháp thực sự cho hành tinh xanh nằm ở sự kết hợp giữa công nghệ, ý thức tiêu dùng và chính sách bền vững từ các thương hiệu. Khi AI hỗ trợ tối ưu hóa sản xuất, còn con người thay đổi cách tiêu dùng, thời trang mới có thể thực sự trở thành một ngành công nghiệp bền vững.
Comments